Việt Nam nằm ở tâm dông châu Á, một trong ba tâm dông trên thế giới có hoạt dộng dông sét mạnh. Trên hình 1 là bản đồ theo tài liệu phóng điện thu được từ “máy đếm phóng điện quang học nhanh” OTD (Optical Transient Detector) trên vệ tinh của NASA cho thấy rất rõ điều này. Nhìn trên bản đồ vệ tinh có thể thấy rõ ba tâm dông hoạt động mạnh trên toàn cầu, Việt nam nằm ở tâm dông châu Á và là khu vực có mật độ phóng điện sét rất cao.
(nguồn ảnh: NASA)
Mùa dông ở Việt Nam tương đối dài bắt đầu từ khá sớm (có những nơi ngay từ tháng Giêng) và kết thúc khá muộn. Số ngày dông trung bình khoảng 100 ngày/năm và số giờ dông trung bình là 250 giờ/năm. Trên nền hoạt động dông tương đối mạnh này có độ chênh lệch khá lớn về mức độ hoạt động dông ở các vùng. Có những nơi có số giờ dông nhỏ như Phan Rang (20 giờ/năm), bên cạnh đó lại có khu vực đạt số giờ dông tới 544 giờ/năm như ở Móng Cái. Có thể giải thích sự chênh lệch này bởi nhiều yếu tố khác nhau trong đó có sự phân chia lãnh thổ bởi những dãy núi cao có hướng khác nhau, có tác dụng tăng cường hoạt động dông ở vùng này và hạn chế hoạt động dông ở vùng khác. Những vùng hoạt động dông mạnh là những vùng có nhiễu động khí quyển mạnh mẽ và có địa hình thuận lợi cho việc hình thành các dòng thăng.
Hoạt động dông sét gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh tế - xã hội. Sét thường xuyên là hiểm họa gây thiệt hại về người và của. Do thiếu các số liệu chính xác về dông sét nên trong thập kỷ gần đây, rất nhiều công trình, đường dây tải điện, kho tàng, các thiết bị ngành bưu chính viễn thông, thiết bị nghiên cứu khoa học, thiết bị điện tử đã bị sét đánh hỏng gây thiệt hại rất lớn; ngoài thiệt hại về kinh tế, sét còn gây thiệt hại về người, gây tâm lý hoang mang ở một số địa phương.
Việc điều tra những thông số cơ bản của môi trường như dông sét, đánh giá dự báo hoạt động của chúng ở từng địa phương có tầm quan trọng cho hoạt động sản xuất của từng địa phương đó. Trong công cuộc công nghiêp hoá, hiện đại hóa đất nước, muốn xây dựng các khu công nghiệp lớn thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhất thiết phải bắt đầu từ việc nghiên cứu các thông số môi trường này.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Viện Vật lý Địa cầu, trên cả nước trung bình có 82 vụ sét đánh trong một năm, gây thiệt hại trực tiếp nhiều tỷ đồng, làm gián đoạn dịch vụ viễn thông, điện lực... Nhiều vụ sét làm chết người gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Nhìn chung, việc nghiên cứu dông sét của nước ta còn ở giai đoạn ban đầu, và hiện nay kém xa các nước phát triển. Các số liệu về hoạt động dông sét trên lãnh thổ nước ta chưa đủ và không đủ độ tin cậy để đáp ứng được nhu cầu thực tế hiện nay.
Trong lĩnh vực phòng chống sét hầu hết chúng ta sử dụng các thiết bị phòng chống sét nhập ngoại. Nhiều loại máy móc thiết bị phòng chống sét được tung ra trên thị trường. Hiệu quả của nhiều phương pháp mới còn chưa rõ ràng, thậm chí nhiều kết quả còn đem lại hậu quả không mong muốn. Công tác tư vấn cần đẩy mạnh hơn.
Với lý do nêu trên, mục tiêu nghiên cứu cần đặt ra như sau:
- Làm rõ quy luật hoạt động và phân bố dông sét ở Việt Nam.
- Đề xuất các giải pháp phòng chống nhằm giảm nhẹ hậu quả thiên tai do dông sét gây ra.
Việc nghiên cứu dông sét ở Viện Vật lý địa cầu có thể coi băt đầu từ năm 1957 vơi sự giúp đỡ của Ba Lan khi thiết lập đài quan trắc điện khí quyển tại Sapa. Kể từ đó đến nay, Viện Vật lý Địa cầu đã thực hiện các nghiên cứu về định vị dông sét, sửa đổi quy phạm phòng chống sét; triển khai phòng chống sét cho nhiều công trình.