Việt Nam nằm trong tâm dông châu Á, là nơi có hoạt động dông sét trung bình thuộc loại cao trên thế giới. Dông sét không chỉ gây ra các thiệt hại nghiêm trọng về người và của mà còn gây ra tâm lý hoang mang, lo lắng cho người dân. Thiệt hại này sẽ càng tăng lên khi đất nước ta thực hiện công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa do sử dụng nhiều thiết bị điện, điện tử nhạy cảm với sét. Việc nghiên cứu tìm ra giải pháp phòng chống sét hiệu quả không chỉ có ý nghĩa khoa học mà còn rất cần thiết và có tính ứng dụng cao trong đời sống.
 

Trong những năm gần đây, ở nước ta đã có nhiều công trình nghiên cứu liên quan đến dông sét và phòng chống sét, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Mới đây, các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu đã thực hiện thành công đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình công nghệ phòng chống sét cho các công trình xây dựng ở Việt Nam”, do TS. Nguyễn Xuân Anh làm chủ nhiệm, với nội dung làm rõ cơ sở khoa học của các phương pháp chống sét, từ đó đưa ra quy trình chống sét cho công trình xây dựng phù hợp với môi trường dông sét của Việt Nam.

Trên cơ sở nghiên cứu các công trình khoa học liên quan và hơn 100 tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia, các nhà khoa học Viện Vật lý địa cầu đã xây dựng quy trình chống sét áp dụng cho Việt Nam với các điểm mới nhất được cập nhật. Quy trình được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dễ áp dụng. Trong quy trình chỉ trình bày các phần thiết yếu nhất, lựa chọn giải pháp trích dẫn sang các tiêu chuẩn khác đối với các mục phức tạp. Kèm theo quy trình là chương trình tính toán LPS hỗ trợ hữu hiệu cho việc thiết kế chống sét. Quy trình được khuyến cáo chuyển giao cho các cơ quan chức năng, trên cơ sở đó tiến hành các bước tiếp theo nhằm xây dựng thành tiêu chuẩn chống sét cho công trình xây dựng của Việt Nam.

Trong đề tài, một số mẫu thiết bị chống sét và mô hình kiến trúc đã được chế tạo với mục đích nêu bật quy trình công nghệ chống sét đánh thẳng và tác động thứ cấp của sét. Tuy nhiên, việc nghiên cứu chế tạo sâu hơn cần được đầu tư về thiết bị kiểm định, thời gian và kinh phí.

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, hiện nay việc kiểm định hệ thống chống sét ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt. Qua tìm hiểu thực tế, đại bộ phận việc kiểm định mới chỉ dừng lại ở việc đo điện trở tiếp đất, các thiết bị kim thu sét, thiết bị cắt lọc sét, và chưa có cơ quan nào đứng ra thực hiện một cách bài bản. Với các lý do này, đề tài đề xuất một số phương án kiểm định hệ thống chống sét đánh thẳng và chống tác động thứ cấp do sét. Tuy nhiên, việc thực hiện kiểm chứng hiệu quả thiết bị chống sét là không dễ dàng và phải thực hiện trong thời gian dài. Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn hiện có vẫn còn nhiều mâu thuẫn do bản chất vật lý của sét chưa rõ ràng. Vì thế, trong thời gian tới, chúng tôi đề xuất thực hiện các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm về các vấn đề “nóng” trong lĩnh vực phòng chống sét hiện nay bao gồm: quá trình sét lựa chọn điểm đánh xuống công trình; hiệu quả các dạng kim thu sét; đánh giá chất lượng thiết bị cắt lọc sét; nghiên cứu cảnh báo sét sớm;… Đây là các chủ đề nghiên cứu vừa có ý nghĩa khoa học cơ bản, vừa có ý nghĩa ứng dụng thực tiễn.

Cho đến nay, kết quả nghiên cứu của đề tài đã được áp dụng tại nhiều nơi trên cả nước như: Nhà máy khí Dinh Cố, cáp treo Bà Nà, sân bay Nội Bài, Cục Tần số, Tổng công ty Điện lực Việt Nam, Bộ Xây dựng, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng.