Thực hiện nhiệm vụ quốc gia
Sau thảm họa động đất - sóng thần Ấn Độ Dương ngày 26 tháng 12 năm 2004, Chính phủ Việt Nam đã có những bước đột phá trong việc triển khai các kế hoạch ứng phó với hiểm hoạ thiên nhiên này, trong đó có việc ban hành Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về báo tin động đất, cảnh báo sóng thần (06/11/2006) và Quy chế của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống động đất – sóng thần (29/05/2007). Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thuộc Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam được thành lập ngày 4 tháng 9 năm 2007 là cơ quan duy nhất được Chính phủ giao trách nhiệm về việc báo tin động đất và cảnh báo sóng thần tại Việt Nam.
Tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, chế độ trực ca được duy trì suốt ngày đêm để đảm bảo phát hiện kịp thời các hiểm họa động đất – sóng thần. Các công cụ xử lý số liệu tự động cho phép định vị động đất trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 phút sau khi động đất xảy ra. Theo quy chế của Chính phủ, tất cả các trận động đất xảy ra trên lãnh thổ Việt Nam với độ lớn từ 3,5 độ trở lên theo thang Mô men sẽ được Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần thông báo cho các cơ quan quốc gia có chức năng truyền bá thông tin và ứng phó nhanh nhất, trong đó các cơ quan được cấp báo đầu tiên là Đài Truyền hình và Đài Tiếng nói Việt Nam, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm và Cứu nạn. Ngoài ra, tất cả các trận động đất được phát hiện, dù có độ lớn dưới mức độ phải thông báo chính thức cũng được thông báo ngay lập tức sau khi phát hiện trên Website của Viện Vật lý Địa cầu theo địa chỉ http://www.igp-vast.vn/
Tính đến hết năm 2013, chỉ sau 8 năm kể từ khi thành lập, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã phát hiện và cảnh báo 370 trận động đất trên toàn lãnh thổ và thềm lục địa của Việt Nam, với độ lớn dao động trong khoảng từ 0,7 đến 4,7 độ theo thang Mô men.
Với độ ngũ các nhà khoa học đã có nửa thế kỷ trong lĩnh vực nghiên cứu địa chấn ở Việt Nam, tại Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần các kiến thức chuyên môn của các nhà khoa học được ứng dụng ngay trong công tác phát hiện và cảnh báo kịp thời những trận động đất và sóng thần có khả năng gây thiệt hại cho cộng đồng trên toàn lãnh thổ Việt Nam khu vực Biển Đông. Các mô hình số trị được áp dụng để mô phỏng hàng trăm kịch bản sóng thần phát sinh trên khu vực Biển Đông và các vùng biển lân cận, phục vụ công tác cảnh báo sóng thần cho toàn dải ven biển và hải đảo của Việt Nam. Các nhà khoa học của Trung tâm cũng có những ý kiến đóng góp quan trọng để tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ trong việc sửa đổi các Quy chế về cảnh báo thiên tai và Quy chế về cấp độ rủi ro thiên tai sẽ được ban hành trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm và nghe báo cáo về hoạt động của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần.
Vai trò hợp tác quốc tế
Ngay sau khi ra đời, Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần đã đại diện cho Việt Nam trở thành một thành viên chính thức của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương (PTWS). Đây là hệ thống cảnh báo sóng thần lớn nhất thế giới do tổ chức UNESCO lập ra, với 43 nước thành viên tham gia, trong đó có Việt Nam.
Các hoạt động cảnh báo sóng thần được phối hợp chặt chẽ giữa các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia thành viên với hai Trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não của hệ thống là Trung tâm Cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Mỹ và Trung tâm Tư vấn sóng thần Tây Bắc Thái Bình Dương của Cục Khí tượng thủy văn Nhật Bản. Việt Nam cũng như nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á nằm trên bờ biển Thái Bình Dương chưa có đủ điều kiện trang thiết bị quan trắc và phát hiện sóng thần từ giữa đại dương. Các cảnh báo sóng thần phát đi từ hai Trung tâm cảnh báo sóng thần đầu não được truyền trực tiếp tới các Trung tâm cảnh báo sóng thần quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam. Quy trình phát thông báo được thực hiện liên tục trong thời gian sóng thần đang hoành hành trên toàn khu vực, và chỉ kết thúc sau khi hiểm họa sóng thần đã triệt tiêu. Nội dung của các thông báo này cũng ghi rõ những vùng bờ biển của các quốc gia có khả năng bị sóng thần tấn công, độ cao sóng tới bờ, thời gian tới, v.v... Từ đây, cảnh báo về sóng thần được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia theo quy chế của Chính phủ.
Các chuyên gia Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động của Hệ thống PTWS. Trong Hội nghị thượng đỉnh của PTWS tại Vlađivostok, Liên bang Nga tháng 9 năm 2013 vừa qua, Phó giám đốc Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần Việt Nam, PGS.TS. Nguyễn Hồng Phương được bầu giữ chức vụ Trưởng nhóm chuyên gia về đánh giá rủi ro sóng thần của PTWS.
Với 8 năm hoạt động, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần đã khẳng định vai trò của mình như một mắt xích quan trọng trong toàn bộ công tác phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do động đất và sóng thần trên toàn đất nước Việt Nam. Uy tín của Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần cũng ngày càng được ghi nhận và đánh giá cao thông qua những đóng góp tích cực vào các hoạt động của Hệ thống cảnh báo sớm và giảm thiểu thiệt hại do sóng thần khu vực Thái Bình Dương của tổ chức UNESCO.
Nguồn tin: Nguyễn Hồng Phương - Viện Vật lý địa cầu
Xử lý tin: Minh Tâm
Bản quyền: http://vast.ac.vn/