Tác động gián tiếp và cũng rất quan trọng là nó ảnh hưởng đến quá trình chuyển pha của nước trong khí quyển. Thiếu son khí thì mây chỉ có thể hình thành trên độ cao lớn khi hơi nước ngưng tụ trên các ion, bởi vậy mà mây và mưa liên quan trực tiếp đến sự hiện diện của son khí trong khí quyển. Cho đến nay hiệu ứng gián tiếp của son khí lên mây và giáng thủy chưa được đánh giá chi tiết với sai số cao. Các mô hình dự báo thời tiết, khí hậu không thể không tính đến tính chất quang học, hóa học của son khí.
Son khí tác động lên môi trường và sức khỏe. Kích thước và thành phần hóa học (đặc biệt các độc tố, chất phóng xạ) là những thông số quan trọng tác động đến môi trường và sức khỏe con người. Những nghiên cứu gần đây cho thấy ở các khu vực thành phố công nghiệp có xu hướng gia tăng bệnh ung thu phổi, rối loạn tim mạch và xu thế giảm tuổi thọ của người dân. Các kết quả quan trắc về son khí là số liệu đầu vào cho việc nghiên cứu mối quan hệ giữa son khí và thời tiết, khí hậu.
Vật lý son khí có các bài toán ứng dụng cụ thể khác như tác động làm mưa nhân tạo, ngăn chặn mưa và các hiện tượng ô nhiễm nguy hiểm. Tuy nhiên, các nghiên cứu này mới chỉ là những nghiên cứu ban đầu theo hướng này.
Năm 2011, Bộ KHCN đã phê duyệt đề tài “Nghiên cứu đánh giá thông lượng và các đặc trưng cơ bản của son khí (aerosol) và đề xuất các giải pháp ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng công tác dự báo thời tiết, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường”, thực hiện từ 2011-2014 do Viện Vật lý địa cầu chủ trì trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu Việt Nam hợp tác với NASA và các nước trong khu vực. Mục tiêu của đề tài là tập trung nghiên cứu đánh giá đặc điểm son khí và ảnh hưởng của chúng lên thời tiết, khí hậu và vì vậy có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho Việt Nam, nước được cho là chịu ảnh hưởng mạnh của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chủ tịch Châu Văn Minh tham quan thiết bị ACHIEVE ở NASA.
Thiết bị ACHIEVE ở Yên Bái năm 2013
Đề tài đã tiến hành đo đạc thường xuyên dùng quang phổ kế ở Hà Nội, Bạc Liêu, đo phân bố son khí theo chiều cao tại Hà Nội sử dụng thiết bị LIDAR. Điểm mới của đề tài là đã thực hiện các đợt đo tăng cường tại Sơn La, Yên Bái, Nha Trang trong các năm 2012, 2013 với thiết bị mượn từ NASA(xem hình 1,2). Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam sử dụng các thiết bị tiên tiến của thế giới vào lĩnh vực nghiên cứu tương tác son khí và mây. Số liệu này có vai trò quan trọng trong việc đánh giá ảnh hưởng của son khí lên thời tiết, khí hậu ở khu vực Việt Nam.
Kết quả đề tài là bước đầu xây dựng cơ sở dữ liệu về tính chất quang, vật lý vi mô và bức xạ của son khí khu vực Việt Nam và lân cận. Đề tài đã hoàn thành 3 bài báo và đăng trên SCI. Các bài báo đề cập đến các vấn đề: (i) đặc điểm khu vực của son khí, (ii) đặc điểm mây từ các quan trắc viễn thám và bề mặt, (iii) phân bố thẳng đứng của son khí và mây, và (iv) ảnh hưởng đối với bức xạ của son khí và đánh giá tác động đối với khu vực. Các kết quả này là số liệu đầu vào phục vụ cho công tác nghiên cứu thời tiết, khí hậu, biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Nguồn tin: Nguyễn Xuân Anh, Viện Vật lý địa cầu
Xử lý tin: Thanh Hà
Bản quyền: http://vast.ac.vn/