Với những kinh nghiệm và trình độ nghiên cứu, được đào tạo và trang bị bởi những người thầy Nga theo các chuyên ngành khác nhau, mỗi cán bộ Việt Nam trở về làm việc tại các Viện nghiên cứu khoa học. Không ít người đã trở thành các nhà lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, của Viện Hàn lâm KHCNVN cũng như trở thành người đứng đầu của các Viện nghiên cứu chuyên ngành.
Nhiều người trong chúng ta, một phần do yêu quí và trân trọng những người thầy đã dìu dắt, dạy bảo mình trên con đường nghiên cứu khoa học, một phần khác do đòi hỏi của thực tiễn phải không ngừng trau dồi và phát triển lĩnh vực chuyên môn nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ, đã kiên trì và tích cực duy trì, củng cố và phát triển quan hệ Hợp tác Quốc tế (HTQT) với các Viện nghiên cứu của Nga theo các chuyên ngành khác nhau.
Viện Vật lý địa cầu với sự đóng góp và hoạt động tích cực của TSKH. Ngô Thị Lư (người đã được học tập và đào tạo tại Viện Hàn lâm khoa học Nga) đã liên tục duy trì, củng cố và mở rộng quan hệ HTQT Việt Nam-Liên bang Nga trong lĩnh vực Vật lý địa cầu suốt 12 năm qua.
Ngay từ những năm 2002, khi nước Nga còn gặp rất nhiều khó khăn sau khủng hoảng kinh tế, chính trị, nhưng Viện Vật lý địa cầu vẫn giữ được quan hệ HTQT với Viện Vật lý Trái đất, Viện Hàn lâm khoa học Nga.
Bắt đầu từ việc mời đoàn chuyên gia của Viện Vật lý trái đất thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga vào tham gia tư vấn và góp ý cho một loạt các nhiệm vụ của đề tài: “Phân vùng dự báo chi tiết động đất ở khu vực Tây Bắc” (đề tài độc lập cấp Nhà nước KC-08-010 giai đoạn 2001-2005, do PGS.TS. Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ nhiệm); Rồi đến những Nhiệm vụ HTQT cấp Viện Hàn lâm KHCNVN với kinh phí phí hỗ trợ của Viện Hàn lâm rất khiêm tốn, nhưng Viện Vật lý địa cầu vẫn chủ động đàm phán và thỏa thuận hợp tác được với các đối tác Nga khác nhau như:
Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ giữa Viện Vật lý địa cầu và Viện Vật lý trái đất viện Hàn lâm khoa học Nga theo đề tài: “Cấu trúc sâu, địa động lực thạch quyển hiện đại và tính địa chấn lãnh thổ Việt Nam” do TSKH Ngô Thị Lư làm chủ nhiệm các cùng đồng nghiệp Viện Vật lý địa cầu thực hiện trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 12/2005.
Nhiệm vụ HTQT cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam giữa Viện Vật lý địa cầu và Trường Tổng hợp Hữu nghị Quốc gia thuộc Bộ Giáo dục và Khoa học Liên bang Nga: “Phân vùng địa chấn kiến tạo lãnh thổ Việt Nam” (1-12/2009)(TSKH Ngô Thị Lư làm chủ nhiệm).
Nhiệm vụ HTQT cấp Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Phân tích chế độ địa chấn khu vực Đông Nam Á trên cơ sở các tài liệu của hệ thống trạm quan sát địa chấn khu vực” do TSKH. Ngô Thị Lư làm chủ nhiệm cũng được thực hiện trên cơ cơ sở HTQT giữa Viện Vật lý địa cầu và Viện lý thuyết dự báo động đất và toán địa vật lý, Viện Hàn lâm khoa học Nga (2013-2014).
Đề tài độc lập cấp Viện Hàn lâm KHCNVN: “Xây dựng bộ chương trình thử nghiệm dự báo ngắn hạn động đất trên cơ sở mô hình thống kê kết hợp sử dụng các phương pháp vật lý kiến tạo, áp dụng đối với lãnh thổ Việt Nam và các vùng lân cận” cũng được tập thể tác giả này thực hiện trên cơ sở hợp tác với Viện Vật lý trái đất và Viện lý thuyết dự báo động đất và toán địa vật lý, Viện Hàn lâm khoa học Nga (giai đoạn từ 6/2011-đến tháng 6/2012) (chủ nhiệm đề tài: TSKH. Ngô Thị Lư).
Các Nhiệm vụ HTQT theo Nghị định thư cấp Nhà nước giữa Viện Vật lý địa cầu và Viện Vật lý trái đất, Viện Hàn lâm khoa học Nga: “Đánh giá tiềm năng địa chấn lãnh thổ Việt Nam theo tổ hợp các tài liệu địa chất-địa vật lý và địa chấn” (giai đoạn 1.2008-12.2010) và “Nghiên cứu đối sánh các mô hình vận tốc vỏ Trái đất Việt Nam và Bắc Kavkaz, nước Nga để xây dựng mô hình vận tốc vỏ Trái đất phù hợp với môi trường thực tế của Việt Nam” (giai đoạn 4/2012-4/2014) cũng được thực hiện bởi nhóm các tác giả Ngô Thị Lư và các đồng nghiệp trên cơ sở HTQT với Viện Vật lý trái đất, viện Hàn lâm khoa học Nga.
Gần đây nhất, nhóm tác giả này lại thực hiện Nhiệm vụ nhánh: “Hợp tác quốc tế nghiên cứu hoạt động động đất kích thích hồ thuỷ điện Sông Tranh 2 và giải pháp vận hành an toàn công trình (giai đoạn I (2012-2013)” thuộc đề tài Độc lập cấp Nhà nước: “Nghiên cứu tác động địa chấn kiến tạo đến sự ổn định công trình thủy điện Sông Tranh 2, khu vực bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam”. Đáng lưu ý là trong giai đoạn này Viện Vật lý địa cầu đã phối hợp với các chuyên gia từ các viện nghiên cứu thuộc Viện Hàn lâm khoa học Nga thực hiện việc theo dõi trạng thái và đánh giá ổn định đập thủy điện sông Tranh 2 bằng tổ hợp các phương pháp địa chấn và đã nhận được các kết quả bước đầu đáng khích lệ. Các kết quả này là bằng chứng khẳng định triển vọng và khả năng áp dụng các phương pháp địa chấn để theo dõi an toàn các đập thủy điện khác ở Việt Nam và môi trường địa chất xung quanh chúng.
Một số hình ảnh đoàn cán bộ viện Vật lý địa cầu cùng các chuyên gia Nga tiến hành khảo sát đo vi địa chấn và địa chấn thăm dò phục vụ nghiên cứu động đất kích thích và theo dõi an toàn đập thủy điện sông Tranh 2- Quảng Nam, trong giai đoạn HTQT (2012-2013). |
Qua quá trình thực hiện các nhiệm vụ khác nhau của chương trình HTQT Việt Nam- Liên bang Nga suốt 12 năm liên tục, có thể thấy, với tất cả sự nỗ lực, tâm huyết và tình cảm giành cho nước Nga nói chung, giành cho các bạn đồng nghiệp Nga nói riêng, với sự giúp đỡ, ủng hộ của Lãnh đạo và các Ban ngành trong Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như lãnh đạo và các Ban trong Viện Hàn lâm KHCNVN và Lãnh đạo Viện Vật lý địa cầu, tập thể cán bộ của Viện Vật lý địa cầu do TSKH. Ngô Thị Lư làm chủ nhiệm đã hết sức cố gắng thực hiện nghiêm túc và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ với tinh thần sáng tạo, chủ động và tuân thủ đúng tinh thần và nguyên tắc HTQT.
Các kết quả nhận được không những được phía bạn đánh giá cao mà còn là cơ sở căn bản tạo nên sự quan tâm đặc biệt và độ tin cậy cao của phía đối tác để có thể tiếp tục hợp tác trong tương lai. Bằng chứng cho nhận định này là phía đối tác cùng tập thể tác giả viện Vật lý địa cầu đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Giáo dục Liên bang Nga đề nghị chương trình Hợp tác KHCN theo Nghị định thư giữa hai Nhà nước (giai đoạn 2015-2016). Viện Vật lý địa cầu trân trọng thành ý và sự tin cậy của các chuyên gia phía đối tác cũng như tin tưởng tuyệt đối vào sự giúp đỡ và tiếp tục ủng hộ của lãnh đạo các Ban ngành trong Bộ Khoa học và Công nghệ cũng như lãnh đạo và các Ban trong Viện Hàn lâm KHCNVN.
Nguồn tin: Viện Vật lý địa cầu
Xử lý tin: Thanh Hà
Bản quyền: http://vast.ac.vn/