Trong buổi Hội thảo này, ThS. Nguyễn Đắc Lộc giới thiệu công việc thực hiện là nghiên cứu tác động giữa sol khí - khí tượng và khí hậu tại khu vực các nước Đông Nam Á.
Hoạt động đốt sinh khối từ chất thải nông nghiệp và cháy rừng diễn ra mạnh mẽ tại khu vực bán đảo Đông Dương vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4 hàng năm. Hoạt động này phát thải lượng lớn bụi và các khí thải kèm theo vào khí quyển, ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến sức khỏe con người, và góp phần trong biến đổi khí hậu. Đây chính là nguồn thải chính carbon đen, có khả năng hấp thụ bức xạ mặt trời thứ hai chỉ sau CO2 trong khí quyển. Nguồn khí thải này thay đổi lượng bức xạ mặt trời bằng cách thay đổi vi vật lý của mây, hấp thụ và tán xạ bức xạ, cũng như hạn chế lượng mưa, dẫn đến ảnh hưởng đến khí hậu khu vực.
Các câu hỏi trong buổi Hội thảo được đưa ra thảo luận tập trung vào: Cách xác định nguồn thải Sol khí Sơn La; Hướng chủ đạo của nguồn thải ở Sơn La; So sánh số liệu quan trắc sol khí ở Sơn La bằng thiết bị đo vệ tinh với thiết bị đo dưới mặt đất; … Đồng thời, đây cũng là buổi để các nhà khoa học cùng ngồi với nhau và thảo luận để đưa ra các định hướng nghiên cứu mới mang tính thực tiễn cao trong tương lai: Sử dụng máy bay không người lái để quan trắc khí quyển; Ứng dụng các nghiên cứu sol khí trong việc giảm thiểu thiên tai như hạn hán, ngập lụt ...
Hội thảo khoa học diễn ra thành công tốt đẹp. Đây cũng là dịp các nhà khoa học Viện trao đổi học thuật và kinh nghiệm nghiên cứu khoa học. Đồng thời, qua buổi Hội thảo khoa học này giúp định hướng tốt các dự án khoa học mới có tính ứng dụng cao vào đời sống trong tương lai.
Ban tin tức Viện Vật lý Địa cầu